Climate Change Scenarios of Vietnam (MONRE, 2012)

Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam (Bộ TN&MT 2012)

Kịch bản biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và tính tin cậy về sự tiến triển trong tương lai của các mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội, tổng thu nhập quốc dân, phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, thể hiện mối ràng buộc giữa phát triển và hành động toàn cầu trong tương lai.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) với những biểu hiện chính của sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Theo PSG.TS Thục - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH và trong đó ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng diễn ra khốc liệt hơn. Theo các kịch bản BĐKH thì vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm. Mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, BĐKH cũng có thể là động lực thúc đẩy sự phát triển, hình thành mẫu hình tiêu thụ mới, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít các-bon, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về BĐKH.