Phát hiện đầu tiên về loài Chuột đá trường sơn Laonastes aenigmamus tại Việt Nam - The first country records of Laotian rock rat in Vietnam

 

Vào những năm 1996-1999, hai nhà khoa học gồm M.F. Robinson và R.J. Timmins đã thu được 12 mẫu của một loài thú gậm nhấm lạ có tên địa phương là "Kha nượu" bày bán ở các chợ thuộc huyện Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn. Phân tích các đặc điểm hình thái cơ thể và cấu trúc gen của 12S rRNA và cytochrome b của các mẫu vật này Jenkins và cộng sự (2005) nhận thấy chúng hoàn toàn khác xa với các loài thú gậm nhấm hiện đại trên thế giới, vì thế họ đã xếp loài thú này vào một họ mới (Laonastidae), giống và loài mới (Laonastes aenigmanus) với tên tiếng Anh là Laotian Rock Rat (Chuột đá lào).

Một năm sau đó, Dawson và cộng sự (2006) so sánh các đặc điểm hình thái của loài thú mới này với các hóa thạch gậm nhấm đã phát hiện rằng loài thú này là đại diện còn sống duy nhất của họ Diatomyidae đã bị xem là "tuyệt chủng" cách đây 11 triệu năm. Họ Diatomyidae có ba giống đã bị tuyệt chủng chỉ được ghi nhận qua hóa thạch là Fallomus, Diatomys và Willmus. Giống Fallomus cổ nhất thuộc kỷ Oligocene cách đây khoảng 25-30 triệu năm và kỷ Miocene cách đây khoảng 21-13 năm. Giống Willmus và giống Diatomys nhất thuộc kỷ Miocene cách đây 11 triệu năm. Giữa Laonastes và giống Diatomys có nhiều rất điểm tương đồng như: kích thước cơ thể tương tự nhau, chân có cấu trúc thích nghi vận động trên nền đá. Xương hàm dưới không có mấu coronoid; hốc bám cơ nhai kéo dài về phía trước tới phía dưới răng hàm số 4 và chia thành 2 phần trên và dưới, mấu lồi (codyle) thấp nhưng cao hơn dãy răng. Răng cửa ngắn, men có cấu trúc nhiều dãy. Răng hàm kiểu bilophdont khép kín và có nhiều chân (3-4 chân). Vì vậy, Dawson và cộng sự (2005) cho rằng họ Laonastidae mà Jenkins và cộng sự (2005) đề xuất chính là họ Diatomyidae đã bị "tuyệt chủng" cách đây 11 triệu năm và loài thú mới Laonastes aenigmamus chính là đại diện sống duy nhất của họ này. Như vậy, loài Laonastes aenigmamus có thể xem là "hóa thạch sống" của họ thú cổ Diatomyidae.

Điều thú vị là loài Laonastes aenigmamus còn được xem là một hiện tượng "hiệu ứng hồi sinh" (lazarus effect) của họ Diatomyidae. Hiệu ứng hồi sinh là một hiện tượng liên quan đến các phát hiện hóa thạch sinh vật, nói về sự tái xuất hiện của một bậc phân loại sau một thời gian dài hàng triệu năm không có ghi nhận và được xem là đã bị tuyệt chủng. Việc phát hiện ra loài chuột đá lào đại diện sống của họ Diatomyidae bị cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm là một ví dụ điển hình về hiệu ứng hồi sinh rất hiếm gặp ở các loài thú. Với những đặc điểm như vậy, việc bảo tồn loài Laonastes aenigmamus có ý nghĩa rất lớn không chỉ là bảo tồn bản thân loài thú quý hiếm huyền bí này mà còn là bảo tồn cả một họ thú cổ (Diatomyidae) của trái đất. Loài Laonastes aenigmamus đã được đưa vào Danh lục Đỏ của IUCN ở mức EN (nguy cấp) để bảo tồn.

Sự khá tương đồng về điều kiện sinh cảnh núi đá vôi nơi phát hiện loài thú mới Laonastes aenigmamus ở KBT Hin Nậm Nô và khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng cho thấy loài thú này cũng có thể đang tồn tại ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong đợt khảo sát các loài thú nhỏ ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình, nhóm các nhà khoa học Việt Nam gồm PGS TS. Nguyễn Xuân Đặng, Th.S. Nguyễn Xuân Nghĩa (CeREC), TS. Nguyễn Mạnh Hà (CRES), Th.S. Nguyễn Duy Lương (FFI) và Th.S. Đinh Huy Trí (VQG Phong Nha - Kẻ Bàng) đã thu được 6 mẫu vật của loài thú lạ rất giống với loài Laonastes aenigmamus tại khu vực mở rộng của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa, Huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Các mẫu này đều do đồng bào Rục (một tộc người bản địa ở đây) cung cấp. Bằng phương pháp so sánh các đặc điểm hình thái ngoài và hình thái sọ của các mẫu vật thu được với các đặc điểm của loài chuột đá lào (Laonastes aenigmamus) được mô tả trong Jenkins et al. (2005) chúng tôi đã xác định các mẫu vật này đều thuộc loài Laonastes aenigmamus.
Loài Laonastes aenigmamus gọi là "kha-nyou" theo tên địa phương ở Lào hay "Chuột đá lào" theo tiếng Anh (Laotian Rock Rat). Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng bảo Rục gọi loài này là "knê-củng". Vì đây là loài gậm nhấm đặc hữu cho dãy Trường Sơn, nên chúng tôi đề nghị danh pháp tiếng Việt cho loài này là "Chuột trường sơn"

Việc phát hiện loài "chuột trường sơn" ở Phong Nha - Kẻ Bàng có ý nghĩa rất lớn: đã bổ sung cho danh lục thú Việt Nam thêm một loài mới: Chuột trường sơn (Laonastes aenigmamus); đồng thời, cũng là giống Chuột trường sơn (Laonestes) và họ mới Chuột trường sơn (Diatomyidae). Phát hiện này cũng mở thêm cơ hội bảo tồn một đại diện sống duy nhất của một họ thú cổ (Diatomyidae) đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, việc bảo tồn Laonestes, một đại diện sống sót duy nhất của một họ gậm nhấm với hình thái rất khác biệt và có nguồn gốc tiến hóa sâu sắc ở châu Á cần phải được ưu tiên cao nhất. Vì nếu được bảo vệ, thì các loài động vật này có thể cung cấp nhưng thông tin/tư liệu vô giá liên quan đến sự hình thành tính đa dạng sinh học hiện nay và trong quá khứ .

Xem thông tin chi tiết tại Pdf file