One Plan Approach for Saola Conservation - Áp dụng cách tiếp cận Chung một kế hoạch cho bảo tồn Sao La

 CeREC is now embracing for Saola conservation the One Plan Approach, as developed by the IUCN/SSC/ Conservation Breeding Specialist Group. In essence, the One Plan Approach is the joining of in-situ and ex-situ conservation into one, integrated program for the conservation of endangered species. For more information on http://www.savethesaola.org/

Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi Khí hậu (CeREC) đang tích cực tham gia xây dựng cách tiếp cận "Chung một kế hoạch" cho bảo tồn Sao la. Cách tiếp cận Chung một kế hoạch được đề xuất bởi Nhóm chuyên gia Nhân nuôi Bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN/SSC/CBSG) nhằm hợp nhất các hoạt động bảo tồn tại chỗ (in-situ conservation) và bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ conservation) vào chung một kế hoạch/ chương trình thống nhất để bảo tồn các loài nguy cấp.

 (http://shscience2025.blogspot.com/)

Loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) được các nhà khoa học phát hiện đầu tiên vào năm 1992 tại Việt Nam và đây được xem là một trong những phát hiện khoa học về động vật kỳ diệu nhất của Thế kỷ 20. Sao la là loài thú đặc hữu của Dãy Trường Sơn, một điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu, chạy dọc biên giới quốc gia Việt Nam và Lào. Sau hơn 20 năm phát hiện, những hiểu biết của con người về loài động vật hấp dẫn, huyền bí và thuộc nhóm các loài thú lớn bị nguy cấp nhất trên thế giới này vẫn rất hạn chế. Do sự khan hiếm và tập tính nhút nhát hay lẫn tránh con người của Sao la và sự thiếu đầu tư thích đáng cho công tác bảo tồn loài, hiện nay chúng ta vẫn chưa thể có một tính toán chính xác về số lượng cá thể Sao la trong thiên nhiên. Tuy nhiên, Nhóm công tác về Sao la (Saola Working Group) cho rằng số lượng Sao la hiện còn trong thiên nhiên không quá vài trăm cá thể hoặc thậm chí chỉ còn khoảng vài chục các thể. Trong Danh lục Đỏ Thế giới (IUCN Red List) Sao la được xếp ở bậc đe dọa cao nhất - Rất nguy cấp (Critically Endangered ). Gần đây, Tổ chức IUCN và Hội Động vật học Luân Đôn đã công nhận Sao la thuộc nhóm 100 loài động vật và thực vật trên Trái đất cần tăng cường bảo tồn nhất.
Mặc dù việc mất và chia nhỏ sinh cảnh đã gây nên tác động tiêu cực đến các quần thể Sao La, nhưng đe dọa chính đối với sự tồn tại của Sao la hiện nay là sự săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã vì mục đích thương mại. Đặc biệt nguy hại đối với Sao la là tình trạng sử dụng các loài bẫy dây thép thắt chân rất phổ biến ở các khu vực rừng của Dãy Trường Sơn, kể cả trong các khu bảo tồn và vườn quốc gia. Chỉ một ngày đi tuần rừng có thể gặp hàng trăm, đôi khi, hàng ngàn bẫy dây cài đặt trái phép trong rừng.

Để bảo tồn Sao la trong thiên nhiên, cần phải làm giảm đáng kể tình trạng đặt bẫy trong rừng nơi có Sao la sinh sống. Chỉ khi tình trạng săn bắt trái phép động vật hoang dã được giảm triệt để thì mới có thể bảo vệ được Sao la trong các vùng sinh cảnh tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực chống săn bắt động vật hoang dã, nhưng cho đến nay vẫn không có tiểu quần thể Sao la nào được an toàn trong thiên nhiên. Thêm vào đó, các tiểu quần thể Sao la hiện nay đều qua nhỏ dẫn đến phát sinh các ảnh hưởng xấu liên quan đến hiệu ứng "quần thể nhỏ" như suy thoái di truyền do giao phối cận huyết. Vì vậy, nếu như việc săn bắt trộm và mất sinh cảnh có được chấm dứt hoàn toàn hôm nay, thì nguy cơ tất cả các tiểu quần thể Sao la sẽ bị tuyệt chủng trong vòng 20 năm tới vẫn là rất cao. Vì vậy, xây dựng một chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao la là rất cần thiết hiện nay khi vẫn còn chưa muộn.

 Cuộc họp thường niên 2015 của Nhóm công tác Sao la
(http://www.savethesaola.org/the-saola/)

Nhóm công tác Sao la đã liên kết với Hội các Vườn động vật và Bể nuôi châu Âu (EAZA) để phác thảo một Kế hoạch hành động Nhân nuôi bảo tồn Sao la với sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào. Với việc xây dựng kế hoặc nhân nuôi bảo tồn này, Nhóm công tác Sao la, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã theo đuổi cách tiếp cận "Chung một kế hoạch" trong bảo tồn Sao la. Tinh thần chung của cách tiếp cận Chung một kế hoạch là hợp nhất các hoạt động bảo tồn tại chỗ (in-situ conservation) và bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ conservation) vào chung một kế hoạch/ chương trình thống nhất để bảo tồn các loài nguy cấp.
Với việc áp dụng cách tiếp cận này, một quần thể Sao la nuôi sẽ được thiết lập tại các trung tâm nhân nuôi bảo tồn Sao la, trước hết là tại Việt Nam, sau đó là tại Lào. Đồng thời, việc tăng cường các nỗ lực bảo vệ sẽ được thực hiện nhằm tạo ra các khu vực sinh cảnh an toàn cho tái phục hồi Sao La vào thiên nhiên trong tương lai.
Theo http://www.savethesaola.org/the-saola/